
Mở đầu chương trình là tiết mục “Nổi trống lên” do lớp 8/1 biểu diễn. Âm vang bài hát làm ta như được sống lại lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, nhắc nhở ta về giá trị truyền thống dân tộc, là sự trân trọng, tinh thần tiếp nối và sáng tạo của thế hệ trẻ đối với mạch nguồn văn học dân gian.
Bạn đang xem: Lời dẫn chương trình ngoại khóa văn học dân gian

Đến với buổi ngoại khóa, các em sẽ thể hiện tình yêu đối với mạch nguồn dân gian ấy qua ba phần thi: chào hỏi, tìm hiểu các kiến thức văn học dân gian, kể chuyện. Bằng sự tự tin, am hiểu kiến thức và niềm say mê, hai đội thi “Miền đất Việt” và “Mỵ Nương” đã trải qua những giây phút sôi nổi, hào hứng nhất. Các em đã trả lời khá chính xác những câu hỏi mà chương trình đưa ra.

Liên tục chương trình là các tiết mục văn nghệ ý nghĩa, sôi nổi. Đó là tam ca “Hành trình trên đất phù sa” do các em lớp 6/2 biểu diễn. Bài hát đã đưa chúng ta về với những địa danh sông nước miền Tây, với đồng lúa mênh mông, những nhịp cầu tre, đó còn là nỗi niềm thương nhớ về “ Tiếng cười giọng nói trong có tình thân thương/Câu hò câu hát nghe dạt dào quê hương”. Không chỉ được về với miền Tây sông nước mênh mông, các em lớp 9/2 tiếp tục đưa ta lên vùng Tây Bắc xa xôi, để ta cùng hòa mình vào núi rừng trong những đêm trăng sáng, cùng người Khơ mú ở Điện Biên vui nhảy điệu nhảy sạp truyền thống-nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai màn kịch đã được diễn ra sau đó, các em đã sân khấu hóa truyện “Ba thằng đầy tớ” và “Cây khế”. Bằng lối diễn xuất chân thật, tự nhiên, các vở kịch không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái mà còn giúp cho ta nhìn nhận lại bản thân, rút ra được những bài học hữu ích cho cuộc sống. Để bầu không khí càng thêm vui tươi, sôi động, các khán giả đã làm nóng cả sân khân khấu bằng phần thi “Ăn dưa hấu”.

Bao nhiêu là cung bậc cảm xúc, chương trình ngoại khóa “Em yêu Văn học dân gian” do tổ Ngữ văn tổ chức đã thật sự mang đến cho các em học sinh trường THPT Trịnh Phong những khoảnh khắc vui vẻ, những kiến thức bổ ích về văn hóa, văn học dân gian. Buổi ngoại khóa đã nuôi dưỡng trong học sinh nói riêng, trong thế hệ trẻ nói chung niềm say mê nghiên cứu, tìm hiểu về mạch nguồn văn học truyền thống, giúp ta hiểu rõ hơn về đời sống tinh thần của cha ông ta ngày xưa. Từ đó, bồi dưỡng nếp sống đẹp, nếp sống văn hóa, giàu tình yêu thương với gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước.